Bệnh thối mang
– Tác nhân gây bệnh
Myxococcus piscicola là vi khuẩn gây bệnh thối mang. đây là vi khuẩn hình sợi, hai đầu tròn dễ uốn cong, nó sinh trưởng tốt ở môi trường có độ pH 6,5-7,5 và nhiệt độ 25 độ C không sinh trưởng ở pH < 6 và pH > 8,5. Nhiệt độ 18 độ C sinh trưởng yếu nhưng tính độc mạnh. Nhiệt độ 65 độ C chết sau 5 phút, nhiệt độ 4 độ C không sinh trưởng.
– Dấu hiệu bệnh lý:
Cá bơi chậm trên mặt nước và tách đàn, bắt mồi giảm hoặc không bắt mồi. Da cá chuyển màu đen nhất là phần đầu. Các tia mang bị rách và thối nát, có dính bùn, biểu bì trong lớp mang xung huyết. Bề mặt xương nắp mang bị tụ máu, phần giữa xương bị hoại tử và trong suốt hoặc bị ăn mòn thành lỗ tròn.
Hình 3.4 Cá diêu hồng bị bệnh thối mang
Bệnh thối mang ở cá thường kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn và bệnh nhiễm trùng máu xuất huyết do vi rus gây ra.
– Phân bố và lan truyền bệnh:
Bệnh gặp nhiều ở cá trắm cỏ,cá chép, mè hoa. Bệnh xuất hiện vào đầu mùa hè ở điều kiện nhiệt độ thích hợp 28-35 độ C, ở giai đoạn cá giống gặp nhiều hơn các giai đoạn khác. Bệnh gặp ở cá của nhiều nước trên thế giới.
– Phòng và chữa bệnh:
Bệnh thối mang thường cùng xuất hiện đồng thời với bệnh viêm ruột nên có thể áp dụng các phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh như đối với bệnh viêm ruột.